Bạn đang ở đây
Doanh nghiệp tổn thương sau biểu tình quá khích
Việt - Sing là doanh nghiệp Đài Loan hoạt động tại Khu công nghiệp Bình Dương, đã bị phá tan tành trong cuộc kích động lợi dụng tâm lý phản đối Trung Quốc đêm 13 rạng sáng 14/5. Chưa thể xác định thời gian hoạt động trở lại, vị lãnh đạo này cho biết doanh nghiệp còn đứng trước nguy cơ phải bồi thường cho khách hàng với những hợp đồng dang dở. Ngay cả số tiền chuẩn bị trả lương cho công nhân cũng bị lấy đi.
Công ty Formosa tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 phải treo thông báo là doanh nghiệp Đài Loan. |
Để tạm khôi phục sản xuất sau khi nhà xưởng bị thiêu rụi, Công ty sơn Nanpao (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3) phải tính chuyện tăng ca sản xuất tại một nhà máy khác ở Bình Dương. Còn nhà xưởng vừa bị phá, chủ doanh nghiệp cho biết sớm cũng mất 6 tháng đến một năm mới có thể khôi phục.
Không chịu thiệt hại trực tiếp, nhưng do hàng loạt đối tác bị ảnh hưởng trong cuộc biểu tình quá khích, một doanh nghiệp dệt may ở Long Thành (Đồng Nai) gần như bị cắt đứt chuỗi cung ứng. Đại diện công ty dự tính, trong 1-2 tháng tới, doanh thu bán hàng, lợi nhuận của công ty sẽ giảm 50%. Ngoài ra, hiện nhiều nhiều khách hàng của đơn vị này cũng rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, nên công ty sẽ có thêm nợ khó đòi, ảnh hưởng đến dòng vốn cho đầu tư và sản xuất.
Để giảm bớt khó khăn, công ty vẫn tiếp tục duy trì hoạt động, đồng thời sẽ tăng cường sản xuất hàng hóa trữ tại kho, để khi các đối tác sản xuất trở lại họ không phải chờ đợi nguồn hàng.
Theo thống kê cập nhật đến cuối ngày 16/5, ước tính có 697 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương thiệt hại do vụ gây rối vừa qua. Hiện vẫn còn hơn 800 đơn vị ngưng hoạt động với hơn 290.000 nhân công phải chờ việc. Nhiều lãnh đạo, chuyên gia làm việc cho các doanh nghiệp là người Hong Kong, Philippines cho biết đến trú tại các khách sạn hoặc đã mua vé về nước.
Tại TP HCM, Ông Hồ Xuân Lâm, Chánh văn phòng Ban quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TP HCM (Hepza) cho biết, ở Khu chế xuất Linh Trung 1 và 2 trên địa bàn Thủ Đức, mỗi khu cũng còn 3 doanh nghiệp Đài Loan đóng cửa.
Các khu công nghiệp phía Bắc chưa ghi nhận những sự việc như tại Bình Dương, nhưng nhiều doanh nghiệp FDI đã cho công nhân tạm thời nghỉ việc. Công ty Ching-Hai (Đài Loan), Công ty Unigen (Mỹ), Công ty AAC Technologies Việt Nam (Singapore), Công ty TNHH GoerTek Vina (Trung Quốc)... đều thuộc tỉnh Bắc Ninh đã cho công nhân nghỉ làm, sang tuần mới hoạt động trở lại.
Nhiều công ty Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore tại khu công nghiệp Quế Võ, Yên Phong (Bắc Ninh), Đình Trám, Quang Châu, Song Khê (Bắc Giang), Tân Trường (Hải Dương)... chủ động treo biển thông báo không phải là doanh nghiệp Trung Quốc. Còn những đơn vị có vốn Trung Quốc thì tìm cách che tấm biển đề tên công ty.
Một nhà máy tại Bắc Ninh treo biển thông báo là công ty của Nhật Bản. |
Đại diện một công ty của Nhật Bản tại Bắc Ninh lo lắng sẽ xảy ra chuyện không mong muốn vào những ngày cuối tuần, khi mà lực lượng bảo vệ mỏng, doanh nghiệp không kịp trở tay thì hậu quả khó lường.
"Cho lao động nghỉ làm thiệt hại đã đành, nhưng điều đáng ngại nhất là tâm lý người lao động hoang mang. Sản xuất khó đi vào ổn định, chậm giao hàng, mất uy tín với đối tác… là điều doanh nghiệp lo sợ hơn cả", lãnh đạo công ty cho hay.
Đại diện Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV), tại Khu công nghiệp Yên Phong I, tỉnh Bắc Ninh cũng dự phòng diễn biến phức tạp như ở Bình Dương. Samsung đã báo cáo với công ty mẹ tại Hàn Quốc, đồng thời giữ liên hệ với chính quyền địa phương và tổ chức công đoàn cấp trên phác thảo chương trình đối ứng với mọi tình huống.
Ngày 16/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Tiến Nhường cũng ký văn về việc đảm bảo an ninh trật tự trong các khu công nghiệp trên địa bàn.
Ở Bắc Giang, theo đại diện Ban quản lý Khu công nghiệp Quang Châu, nơi cũng có không ít doanh nghiệp Đài Loan, Trung Quốc, gần đây đã phát nhiều tờ rơi tuyên truyền với nội dung "Đình công, phá máy móc không giúp gì cho việc đấu tranh ở biển Đông", "Đình công, phá máy móc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư của địa phương"... Theo ông này, nhiều doanh nghiệp đã bố trí cho các chuyên gia, ban lãnh đạo là người Trung Quốc, Đài Loan về nước, tránh những chuyện đáng tiếc có thể xảy ra.
Tại Hải Phòng, trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Đình Toàn - Trưởng Phòng Đầu tư Ban Quản lý khu kinh tế địa phương cho biết đã tổ chức hai đoàn công tác đi khắp các khu công nghiệp có đông đảo nhà đầu tư nước ngoài để thông tin cho người lao động không nghe theo lời xúi giục của những phần tử quá khích mà có hành vi phá phách.
Đồng thời, Hải Phòng cũng làm việc với các chủ doanh nghiệp, trong đó có những cá nhân đến từ Đài Loan, Trung Quốc để họ yên tâm kinh doanh. “Tỉnh đang có những biện pháp thiết thực để bảo vệ nhà đầu tư”, ông Toàn nói.
Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh trong ngày 15/5 cũng đã có công văn gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh và cơ quan liên quan, yêu cầu có biện pháp mạnh mẽ hơn để bảo đảm hoạt động ở các khu công nghiệp. Ngoài ra, ông cũng khẳng định với các tổ chức quốc tế, nhà đầu tư về việc biểu tình tự phát tại các khu công nghiệp là chuyện đáng tiếc và Chính phủ Việt Nam hết sức chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp. Vị trưởng ngành cũng cam kết sẽ có những giải pháp mạnh mẽ hơn để ổn định tình hình, không để lan rộng cũng như giúp đỡ các doanh nghiệp khôi phục, ổn định sản xuất.
Tiến sĩ Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài không cho rằng những sự việc xảy ra vừa qua sẽ khiến môi trường đầu tư Việt Nam xấu đi. “Những sự việc như này ban đầu phát sinh phản ứng tiêu cực, nhưng qua vài ngày sẽ trở lại bình thường. Đâu dễ di dời một xí nghiệp chỉ vì những nguyên nhân như trên”, ông nhận định. Và trên thế giới, việc kích động các phần tử xấu cũng không phải cá biệt ở một nước.
Song, ông cũng nhấn mạnh Chính phủ nên có những động thái để chia sẻ với nhà đầu tư, mong họ thông cảm và phối hợp cùng giải quyết thiệt hại, chẳng hạn như giảm thuế hoặc cho những doanh nghiệp bị thiệt hại hưởng ưu đãi để bù đắp. “Những việc cụ thể đó nếu xử lý nhanh, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư thì môi trường đầu tư sẽ ổn định trở lại”, ông cho hay.
Trong cuộc họp với các nhà đầu tư nước ngoài hôm qua, lãnh đạo TP HCM cho biết sẽ có chính sách ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp bị thiệt hại, đồng thời có thể hỗ trợ một phần cho công tác khắc phục hậu quả.
Theo VnExpress